Vào ngày mùng 10 tháng Giêng, nhiều gia đình, đặc biệt những người kinh doanh, thường sắm lễ cúng vía Thần Tài để thỉnh cầu một năm mới làm ăn phát đạt, may mắn
Sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, nhiều gia đình đã chuẩn bị cho lễ cúng vía Thần Tài.
Nguồn gốc ngày vía Thần Tài
Mùng 10 tháng Giêng hằng năm chính là ngày vía Thần Tài, nhiều người làm lễ cúng vị thần này để việc làm ăn trong năm được suôn sẻ, tài lộc dồi dào.
Tục thờ Thần Tài có xuất xứ từ Trung Quốc.
Có khá nhiều truyền thuyết về tục cúng Thần Tài. Theo một sự tích, Thần Tài làm việc ở thiên đình, một lần do uống rượu quá say mà sẩy chân ngã xuống trần gian, đập đầu vào đá dẫn đến mất trí nhớ. Quên mất mình là ai, cũng không biết làm việc gì, ông lang thang ăn xin để sống qua ngày.
Một hôm, Thần Tài được một vị chủ quán tốt bụng mời vào cho ăn nhân khi vắng khách. Người chủ nhận thấy từ khi ông lão ăn xin ngồi vào thì thực khách trở nên tấp nập, liền giữ ông ở lại và kể từ đó việc làm ăn phất lên như diều gặp gió.
Một thời gian sau, ông lão ăn xin bắt đầu nhớ lại mình là ai, bèn quyết định trở về thiên đình. Ngày Thần Tài bay về trời là ngày mùng 10, vì thế nên dân gian xem ngày 10 Âm lịch hàng tháng là ngày Thần Tài. Ngày mùng 10 tháng Giêng là ngày vía Thần Tài đầu tiên của năm, mọi người chú trọng hơn để suốt năm việc kinh doanh được thuận lợi.
Một truyền thuyết khác thì kể rằng người lái buôn Âu Minh khi đi qua hồ Thanh Thảo tình cờ gặp Thủy thần, được thần ban cho một nữ gia nhân tên là Như Nguyện. Kể từ khi có Như Nguyện, công việc làm ăn của Âu Minh mỗi ngày một phát đạt.
Một hôm vào ngày Tết, Âu Nguyện mắc lỗi nên bị Âu Minh đánh. Cô gái quá sợ hãi bèn chui vào đống rác và biến mất. Từ đó, Âu Minh làm ăn thua lỗ, chẳng mấy chốc nghèo xác nghèo xơ. Âu Minh nhận ra Như Nguyện chính là Thần Tài thì đã muộn.
Từ sự tích này, người ta kiêng quét nhà, hốt rác vào 3 ngày Tết vì sợ làm mất Thần Tài ẩn trong đống rác; bàn thờ thần Tài cũng vì thế mà thường được đặt ở góc nhà.
Giờ nào đẹp cúng vía Thần Tài?
Theo chuyên gia phong thủy Nguyễn Song Hà, trong năm Giáp Thìn 2024, ngày Tết Thần Tài là 10 tháng Giêng (19-2). Các khung giờ đẹp cúng vía Thần Tài ngày mùng 10 tháng Giêng bao gồm: Mão (5 – 7 giờ), Tỵ (9 – 11 giờ) và Thân (15 – 17 giờ).
Đây cũng là ba khung giờ được khuyên là nên mang vàng và bạc đi qua cổng chính, cửa chính đặt vào vùng tài vị để két sắt, nơi chuyên để tiền…
Trong ngày này, muốn cầu tiền tài danh vọng thăng tiến sự nghiệp thì đi về hướng Tây Bắc để gặp Thần Tài. Còn muốn cầu cát khánh vượng nhân, tình duyên suôn sẻ, gia đạo con cái thì đi về hướng Đông Nam gặp Hỉ Thần.
Cũng theo chuyên gia phong thủy Nguyễn Song Hà, ngày 10 tháng Giêng là ngày Tết Thần Tài nên có thể tiến hành khai trương, mở hàng, cúng tế cầu tài, nạp tài, nhập kho hay đi lễ chùa, xuất kho, hội họp đầu xuân…
Bài cúng vía Thần Tài chuẩn Văn khấn cổ truyền năm Giáp Thìn 2024
Ngoài lễ vật cúng Thần Tài, độc giả có thể tham khảo bài cúng vía Thần Tài năm 2024 theo Văn khấn cổ truyền Việt Nam – NXB Văn hóa Thông tin.
Nam mô A Di Đà Phật! (3 lần)
– Con lạy chín phương Trời, mười phương chư Phật, chư Phật mười phương.
– Con kính lạy ngài Hoàng thiên, Hậu thổ chư vị Tôn thần.
– Con kính lạy ngài Đông Trù Tư mệnh Táo phủ Thần quân.
– Con kính lạy Thần Tài vị tiền.
– Con kính lạy các ngài thần linh, Thổ địa cai quản trong xứ này.
Tín chủ con là: …
Ngụ tại: …
Hôm nay, ngày … tháng … năm 2024
Tín chủ thành tâm sửa biện, hương hoa, lễ vật, kim ngân, trà quả và các thứ cúng dâng, bày ra trước án kính mời ngài Thần Tài vị tiền.
Cúi xin Thần Tài thương xót tín chủ, giáng lâm trước án, chứng giám lòng thành, thụ hưởng lễ vật phù trì tín chủ chúng con an ninh khang thái, vạn sự tốt lành, gia đạo hưng long thịnh vượng, lộc tài tăng tiến, tâm đạo mở mang, sở cầu tất ứng, sở nguyện tòng tâm.
Chúng con lễ bạc tâm thành, trước án kính lễ cúi xin được phù hộ độ trì.
Nam mô A Di Đà Phật! (3 lần)
NT (SHTT)