Xe lăn bánh, nhìn dáng cậu đứng vẫy tay chào tạm biệt, lòng tôi bỗng thấy ấm áp lạ thường. Tôi cũng nhớ mãi câu dặn dò của cậu: “Tết năm sau cứ dẫn tụi nhỏ về, ngoại mất vẫn còn có cậu!”.
Tôi dẫn sắp nhỏ về quê ngoại vào thời điểm khá muộn, khi những ngày Tết chính đã trôi qua, từng lượt người đã chuẩn bị hành trang trở lại thị thành để bắt đầu công việc thường nhật.
Chiếc xe lăn bánh chầm chậm về đến quê, tôi yêu cầu bác tài mở cửa, gọi các con xuống, hít thật sâu hương đồng gió nội để cảm nhận mùi vị của quê hương, cái mùi thân quen đã chục năm nay tôi mới được cảm nhận trong dạt dào xúc cảm.
Xe vừa ghé trước cổng nhà làm bằng hàng mai trắng được cậu uốn nắn tỉa tót, cậu chậm rãi bước ra sân.
Bỗng đôi mắt cậu sáng lên niềm phấn khởi khi thấy tôi đứng cạnh mẹ cất tiếng chào. Cậu nói giọng run run: “Năm nay bây về đây ăn Tết, chắc cậu hết bao bệnh tuổi già!”. Giọng cậu có chút hờn trách lẫn hạnh phúc làm con tim tôi se thắt lại.
Đã 10 năm qua, guồng quay của cuộc sống gia đình rồi từ lúc ngoại mất đi, quê ngoại dần lùi vào miền ký ức trong tôi.
Con vện từ sau hè thấy vậy cũng lựng khựng đi từng bước nặng nhọc vì tuổi già cùng đôi mắt đã mờ. Trên người nó bám đầy cỏ xước khi cố rượt bắt con chuột nhưng bất thành vì đã già yếu.
Tôi đến bên bàn thờ gia tiên thắp nhang cho ngoại cùng mợ. Vẫn còn đây những bức tranh kiếng kể về sự tích Thoại Khanh Châu Tuấn được ngoại treo từ thuở tôi còn ấu thơ. Vẫn cặp dưa hấu đen tròn được dán bằng tấm giấy đỏ có hình rồng, phượng cùng những đòn bánh tét như bao cái Tết thuở xa xưa.
Tôi đã về đây sau mười năm xa cách. Xa cách bởi ý nghĩ của bản thân bó buộc mình vào trong mối quan hệ thâm tình, bó buộc bởi guồng quay cơm áo gạo tiền công danh chức lợi…
Về với quê hương, được đi chân đất ra khoảng đồng ruộng mênh mông, được trò chuyện với người nhà quê, tôi lại được mở rộng lòng sống thật với chính mình. Không e dè lời nói, không phải gồng mình khen ngợi ai.
Về đây, không ai hỏi tôi đã làm tới chức gì, ông kia bà nọ mà chỉ quan tâm tôi có sống hạnh phúc không, có được khoẻ mạnh không. Vì đó được xuất phát từ mối tình thân ấm áp của những người đã một thuở chứng kiến cảnh tôi còn tóc tai rối ren, nhảy nhót tung tăng từ tuổi tắm mưa cùng mấy đứa bạn trong xóm.
Tôi lại được an yên ngồi cắn miếng dưa đỏ thắm ngọt lịm từ đất mẹ dưỡng nuôi, được cùng cậu nhấm nháp chậm rãi ngụm trà, ôn lại tuổi ấu thơ, được nhìn thấy đám con trẻ hồn nhiên, mặt lấm lem bùn đất, chơi đủ trò dân gian trong nắng xuân rạng rỡ.
Tôi theo cậu ra hái bụi cải trời mọc xanh mơn mởn sau hè, một loại rau mọc hoang đem vào nấu cùng con tép trấu, ấy vậy mà húp đến cạn tô trong lấm tấm giọt mồ hôi. Đã lâu rồi hương vị quê mới lại thấm đẫm trong tôi làm bao giác quan được đánh thức.
Tôi húp từng muỗng canh mang vị đăng đắng, mùi nồng nồng lẫn vị ngọt thanh đọng lại. Cậu thoáng buồn đưa mắt nhìn tôi, bởi Tết lần này chỉ có tôi và sắp nhỏ trở về…
Hoàng hôn buông xuống đỏ rực một góc quê, tôi cùng mẹ và sắp nhỏ lỉnh kỉnh với bao món quà quê cậu và anh chị gửi mang về. Ngồi trên xe, tôi đưa mắt dõi theo ánh hoàng hôn vẫn còn sáng rực những vầng dương và thầm nghĩ, cuộc sống ta đánh mất tình yêu thương này thì sẽ có sự yêu thương khác mở ra.
Xe lăn bánh, nhìn dáng cậu đứng vẫy tay chào tạm biệt, tôi bỗng thấy lòng ấm áp lạ thường, với khát vọng dẹp bỏ những điều không vui đã qua, chào đón tiết xuân mới căng tràn nhựa sống. Tôi cũng nhớ mãi lời cậu dặn dò: “Tết năm sau cứ dẫn tụi nhỏ về, ngoại mất vẫn còn có cậu!”.
Theo Phan Thanh Cẩm Giang (VietNamNet)