Ông T.M.H, 62 tuổi, Việt kiều tại Đức đã trải qua 2 năm chờ đợi trong cay đắng để được có cơ hội lái xe trở lại khi lỡ vi phạm nồng độ cồn ở Berlin.
Trong đợt về Hà Nội ăn Tết, ông T.M.H đã chia sẻ với PV VietNamNet về hành trình 2 năm bị tước quyền cầm vô lăng, do lái xe ở Đức trong tình trạng đã sử dụng rượu bia.
Thử thách nghiệt ngã
Thưa ông, tại sao trở về quê hương lần này, ông không lái xe, không uống bia, rượu vui xuân như mọi người?
Trong mắt bạn bè, người thân, tôi không phải là người nghiện đồ uống có cồn nhưng lại rất thích uống bia rượu, nhất là những lúc gặp bạn bè. Tôi sống ở Đức 30 năm rồi và rất tuân thủ luật pháp nước sở tại, đặc biệt là khi tham gia giao thông.
Chính quyền nước Đức ban bố một bộ quy chế rất nghiêm ngặt để cấm người dân lái xe khi đã uống rượu bia.
Khoảng tháng 2/2022, một người bạn từ Việt Nam sang, mọi người cùng chỗ làm đã gọi tôi. Khi tôi tới, 20 người đang đợi. Gặp lại đồng hương vui quá, chúng tôi vừa uống vừa kể chuyện quê nhà trong 3 tiếng.
Tôi nhớ đã cụng với mọi người tầm 6 cốc bia và kèm 4 đến 5 chén rượu Whisky. Tôi chưa say, vì tửu lượng bản thân rất khá.
Nhà tôi chỉ cách chỗ uống 10 phút chạy ô tô, nên tôi không gọi người nhà tới chở về như mọi lần mà tự lái xe. Khi tôi mới đi được chừng 30m thì bị xe của lực lượng kiểm soát giao thông vượt lên chặn đầu, yêu cầu dừng xe.
Ông đã xử lý tình huống như thế nào?
Thực ra tôi lái rất bình thường, không hề mất kiểm soát nhưng cảnh sát vẫn nghi ngờ, do tôi từ nhà hàng đi ra.
Tôi mở cửa xuống xe, chấp hành theo hiệu lệnh. Một cảnh sát hỏi tôi: “Ông có uống rượu không?”. Tôi thành thật nhận là có uống. Họ yêu cầu tôi để lại xe và chở tôi đến nơi kiểm tra nồng độ cồn cách đó chừng 3km.
Tới nơi, họ yêu cầu thử máu, làm đủ các kiểu và bắt tôi phải thực hiện những động tác để xem còn tỉnh táo không. Dù tôi làm chủ được hành động, nhưng họ vẫn phát hiện nồng độ cồn khá cao trong máu của tôi.
Họ đánh giá tôi đã uống quá nhiều. Tôi bị đưa ra tòa để xét xử, chịu mức phạt tiền rất nặng. Tôi bị cấm lái xe 2 năm. Ngoài ra tôi phải vượt qua quá trình thử thách lớn nhất của nước Đức, là tham gia khóa kiểm tra thần kinh.
Toà nhận định tôi uống nhiều rượu như vậy mà vẫn lái xe, thì rõ ràng là thần kinh không bình thường.
Khi bị tòa án Đức tuyên án như vậy, ông có thấy hình phạt quá nặng hay không?
Tôi đâu phải là trường hợp ngoại lệ. Tất cả công dân Đức, kể cả quan chức đều bị xử phạt như vậy, thậm chí nặng hơn nếu vi phạm. Tôi đã nộp phạt khoảng 7.000 Euro và đăng ký xin hoặc thi lại bằng lái.
Muốn được cấp lại bằng lái xe, tôi phải chịu sự giám sát hà khắc của chính quyền để khẳng định trên cơ thể không còn tý gì của nồng độ cồn. Họ đã xét nghiệm cả chân tóc của tôi để xem tôi đã thực sự sạch bia rượu hay chưa.
Sau khi làm các xét nghiệm, tôi bị chuyển đến lớp kiểm tra lí thuyết thần kinh.
Sao phải kiểm tra thần kinh khi mình đã được xác định không còn rượu trên người?
Họ phải chắc chắn rằng tôi có đủ năng lực về thần kinh để tiếp tục lái xe được nữa hay không, từ đó có căn cứ cấp lại bằng lái. Với tôi, đây là thử thách nghiệt ngã nhất, trả giá nặng nề nhất cho hành vi đã uống rượu rồi mà vẫn lái xe.
Ông mất bao nhiêu lâu để vượt qua thử thách này?
Từ đó đến nay, tôi không uống một giọt rượu, bia nào. Tôi phải dành 3 tháng liên tục để tham gia học lý thuyết về thần kinh. Họ chia thành nhiều buổi, đưa tài liệu về nhà cho tôi tự đọc.
Tôi buộc phải ghi nhớ và tự tính toán, với chiều cao, cân nặng, độ tuổi của mình thì có thể uống được bao nhiêu bia rượu là say. Và công thức của tôi là, nên dừng lại ở mức 0,3 lít bia, nếu không muốn ảnh hưởng đến hành vi và sức khoẻ.
Ông có thấy lớp học đó là hợp lý không?
Rất hợp lý. Sau khi học, tôi hiểu ra, Chính phủ Đức không phê phán, không nói uống bia rượu là xấu. Vì thế, Đức đâu cấm sản xuất hay mua bán, sử dụng bia rượu. Họ yêu cầu công dân tuân thủ tuyệt đối quy định đã uống rượu, bia thì không lái xe.
Kết thúc lớp học, tôi mất 3 giờ để tự ghi lại các kiến thức đã thu nhận được và nộp về cho hội đồng đánh giá.
6 tháng đầu tiên sau khi bị xử phạt, chính quyền vẫn tìm ra chất có cồn ở trong tóc của tôi. Họ bắt tôi kiêng rượu tiếp và sau 3 tháng quay lại xét nghiệm lần nữa. Kiêng bia rượu suốt 2 năm, giờ tôi có thể tham gia tiệc tùng nhưng nếu uống thì chỉ dùng bia 0 độ, nhưng với lượng rất ít.
Xét nghiệm tóc 4 lần
Hai năm qua, không được lái xe, cuộc sống của ông có xáo trộn chứ?
Khổ sở vô cùng. Việc không chủ động trong đi lại khiến cuộc sống, sinh hoạt gia đình, cũng như việc công ty của tôi bị ảnh hưởng rất lớn. Nghĩ đến cảnh xách túi, đồ đạc lích kích để lên phương tiện công cộng đi gặp đối tác là tôi thấy sợ.
Nhà chức trách Đức luôn hỏi tôi mỗi khi thực hiện bài test: “Ông có phải là tài xế tốt không?”. Tôi đã khoe mình là người lái xe tốt, được bạn bè phong là tay lái lụa. Nhưng họ phủ nhận và bảo rằng: “Ông không phải là một người lái xe tốt. Người lái xe tốt phải kiểm soát được mình, không bao giờ vi phạm vào các quy định của Nhà nước”. Họ làm xét nghiệm tóc của tôi 4 lần, đạt 3 lần liên tục âm tính thì mới tạm ghi nhận tôi đang nỗ lực để làm một người lái xe tốt.
Khi nào ông nhận được câu trả lời có còn cơ hội lái xe nữa hay không?
Dù hội đồng đánh giá tốt, tôi vẫn phải trả lời buổi chất vấn khó khăn cuối cùng của một chuyên gia cấp cao, đồng thời tham gia cuộc thi trên máy, xem phản ứng có còn nhanh nhạy không. Tại buổi kiểm tra đó, tôi rất tự tin.
Biên bản nhận xét của tổ chuyên môn được đọc công khai trước khi tôi bước vào cuộc chất vấn với một nữ chuyên gia. Bà ấy hỏi: “Nếu có lại bằng lái, ông có uống rượu bia nữa không?”.
Tôi trả lời “có chứ, tôi vẫn sẽ uống nhưng sẽ không lái xe khi đã có nồng độ cồn trong người. Tôi sợ lắm rồi và đang rất khát khao được tự lái xe đi làm”.
Bà ấy nói, “đó là câu trả lời chúng tôi mong đợi. Ông đã uống rượu bia và có sở thích cùng bạn bè tụ tập thì chẳng có lý do gì từ bỏ nó cả. Chúng tôi cũng không yêu cầu người khác bỏ uống rượu, bia. Chúng tôi chỉ yêu cầu không được điều khiển phương tiện tham gia giao thông, nếu đã uống rượu bia.
Hôm nay, nếu ông nói sợ rồi, không bao giờ uống nữa thì tôi sẽ đánh trượt ông luôn. Vì đó là lời nói dối”.
Bà ấy nói tiếp, “sức khoẻ và các chỉ số y khoa trong máu của ông đã được bác sỹ đánh giá rất tốt. Về phản ứng trên bài thi ở máy tính cũng rất nhanh nhẹn, linh hoạt. Nhưng về lý do khi uống rượu bia không lái xe của ông thì chưa ổn.
Ông phải nhận thức được việc lái xe trong tình huống đó là ảnh hưởng đến cộng đồng và gây tổn hại sức khoẻ, tính mạng người dân. Đó mới là lý do chúng tôi cấm người uống rượu bia không được lái xe. Do đó, ông cứ về nhà chờ, chúng tôi sẽ xem xét trong 3 tuần nữa để quyết định cho ông được tiếp tục lái xe hay không”.
Qua câu chuyện của mình, tôi muốn gửi thông điệp tới mọi người dân Việt Nam rằng: Uống rượu bia là không xấu, nhưng không được lái xe khi đã uống. Đừng lý luận uống nhiều uống ít. Vì mỗi người có 1 thể trạng, một mức độ đào thải cũng như khả năng chịu đựng của hệ thần kinh khác nhau.
Trước mắt vì bản thân, sau đó là vì cộng đồng. Đừng để những người vô tội mất đi cuộc sống bởi những người say ngồi trước vô lăng.
Không được “nhậu tới bến” khi về nước ăn Tết, ông có thấy mất vui?
Tết này tôi về Việt Nam, người thân, bạn bè đón tiếp và tổ chức liên hoan, tôi đều tham gia rất nhiệt tình nhưng tuyệt đối không dùng một giọt rượu, bia. Tôi cũng ngăn người quen ngồi vào ghế lái khi đã chúc rượu.
Bạn bè tôi đợt này bàn luận nhiều đến chính sách cấm người điều khiển phương tiện uống bia rượu. Nhiều người đã bị tạm thu bằng lái trước Tết và nộp phạt khi vi phạm. Tôi thấy như thế rất hợp lý, nhất là so với những gì tôi phải trả giá tại Đức trong suốt 2 năm qua.
Theo Hiền Anh – Hoài Anh (VietNamNet)