Làm sao để biết tôn kém chất lượng?

Trên thị trường vật liệu xây dựng hiện nay, chất lượng vật liệu thật – giả nhiều khi lẫn lộn nhau khiến chúng ta phân vân khi lựa chọn. Vậy, làm sao để phân biệt được đâu là tôn chất lượng và tôn kém chất lượng? Bạn hãy tham khảo những lời khuyên dưới đây nhé.

Nhờ lợi thế độ bền, tuổi thọ cao (10 – 20 năm), tính thẩm mỹ, tiện dụng, chi phí lắp đặt rẻ… tôn lợp được giới xây dựng ưa dùng hơn các loại vật liệu khác.

20141122111105377
Tôn chất lượng thấp, làm nhái hoặc gian lận độ dày đang được bày bán tràn lan.

Do nhu cầu của người dân ngày một tăng cao nên hàng loạt các nhà máy cán tôn cũng như các cửa hàng cung cấp mọc lên trên khắp các tỉnh thành. Đó cũng là lý do khiến thị trường “chợ đen” xuất hiện, với hai chiêu trò chính: làm nhái tôn thương hiệu và gian lận dộ dày của tôn.

Ông Vũ Văn Thanh, Phó tổng Giám đốc Tập đoàn Hoa Sen cho biết, các loại tôn giả công khai tồn tại trên thị trường không chỉ làm giảm uy tín các thương hiệu chính hãng, mà còn gây tâm lý hoang mang cho người tiêu dùng. Tuy nhiên, người dùng có thể dựa vào những yếu tố dưới đây để nhận biết hàng chính hãng hay không.

1. Để ý kỹ dòng in vi tính

Tôn nhái thường là tôn có chất lượng kém, được nhập lậu theo cuộn từ Trung Quốc nhưng gắn mác thương hiệu lớn. Loại tôn này rất dễ bị phai màu và han gỉ chỉ trong thời gian ngắn sau khi sử dụng.

Người dùng có thể quan sát dòng in vi tính trên cuộn tôn để phát hiện dòng tôn giả này. Dòng in bị nhòe, không rõ ràng, sắc nét do bị bôi xóa, in đè lên; dòng in ngắn, không hiển thị đầy đủ thông tin sản phẩm và tiêu chuẩn chất lượng của nhà sản xuất. Bạn cũng có thể kiểm tra và đối chiếu mã số của các cuộn tôn với nhà sản xuất, hoặc đại lý chính hãng.

2. Gửi mẫu tôn kiểm định

So với tôn chính hãng, giá bán của tôn nhái thường thấp hơn khoảng 10-15%. Nếu nghi ngờ là hàng nhái, người dùng có thể gửi mẫu tôn về doanh nghiệp sản xuất hoặc trung tâm kiểm định của Nhà nước. Lượng tôn gửi phải ít nhất 0,5 mm tôn và thời gian kiểm định khoảng 3-4 ngày.

3. Đọc ký hiệu MSC

Nhằm “bịt mắt” người tiêu dùng, các nhà sản xuất có thể sử dụng thủ thuật cán tôn mỏng hơn. Giới buôn tôn thường gọi việc gian lận này là “đôn dem” hoặc “tôn âm”. Độ dày thông thường của tôn có dung sai +/- 0,02mm. Tuy nhiên, người dùng có thể mua phải tôn 0,35mm nhưng độ dày thực chỉ 0,28mm hoặc mỏng hơn.

20141122111110681
Tôn nhái thương hiệu thường có giá thấp hơn nhiều so với giá bán của tôn chính hãng.

Người dùng không nên mua tôn có ký hiệu “MSC” trong chuỗi mã số in ở mặt sau tấm tôn. Đây là ký hiệu “ngầm” của giới buôn “tôn âm”, để người bán hạ giá thành nếu cuộc ngã giá với khách chưa thành.

4. Quan sát thông số độ dày

Tôn bị “đôn dem” có thể là loại chính hãng, mỏng hơn nhưng bị tẩy thông số kỹ thuật. Do độ dày tôn chỉ tính bằng mm, nên người mua khó nhận biết bằng mắt thường. Giá thành thường rẻ hơn 15.000-25.000 đồng/m2 so với tấm tôn quy chuẩn.

Các chủ cửa hàng buôn tôn giả rất trọng dụng thủ thuật tẩy xóa thông số độ dày in trên tấm tôn. Mã số sản phẩm tôn thật là TKPMXXXXxxxx0,40mm (độ dày 0,4mm) có thể tẩy thành TKPMXXXXxxxx0,45mm (độ dày 0,45mm). Vì vậy, với những loại tôn bị tẩy xóa, hoặc nhập nhèm con số chỉ độ dày thì không nên mua.

5. Cân tôn

Về trọng lượng, mỗi mét “tôn âm” thường nhẹ hơn nhiều so với hàng chuẩn. Chẳng hạn như tôn lạnh màu khổ 1.200 mm, độ dày sau mạ 0,4mm thì nặng khoảng 3,3-3,5kg, nhưng tôn “MSC” thường nhẹ hơn ít nhất 0,4-0,5kg.

6. Đo độ dày bằng thước hoặc máy

20141122111114627
Máy đo độ dài tôn.

Cách xác định độ dày tôn chính xác nhất là dùng thước kẹp hoặc máy đo cầm tay. Khi sử dụng máy đo cầm tay, người dùng cần lưu ý cách đo tôn đúng chuẩn, đặt vuông góc và khít với tôn. Nếu đặt nghiêng thước đo, kết quả đo có thể không chính xác, nhưng dung sai độ dày chỉ khoảng 0,02mm.

7. Kiểm tra lại khi giao nhận

Khi xem tôn tại cửa hàng, chủ cơ sở kinh doanh có thể đưa khách xem mẫu tôn chính hãng và hẹn vận chuyển đến công trình sau. Tôn có thể bị đánh tráo bằng hàng nhái, hàng mỏng hơn. Người dùng nên cẩn thận kiểm tra lại lần nữa.

Theo vnexpress

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *