Ung thư gan là bệnh có tỷ lệ mắc mới và tử vong cao hàng đầu tại Việt Nam. Ở giai đoạn đầu, biểu hiện của bệnh rất khó phát hiện.
Bà N.T.M, 67 tuổi vào Bệnh viện K (Hà Nội) khám với dấu hiệu vàng da, mệt mỏi, chán ăn. Qua thăm khám và thực hiện làm các chỉ định xét nghiệm, chụp chiếu, bệnh nhân có u gan kích thước 4x5cm. Bệnh nhân được hội chẩn với sự tư vấn của bác sĩ Bệnh viện K và Nhật Bản. Ê-kíp bác sĩ nhận định bệnh nhân đáp ứng điều kiện để có thể tiến hành phẫu thuật nội soi bằng robot. Sau ca mổ, tình trạng sức khỏe của bệnh nhân ổn định.
Theo Phó Giáo sư Phạm Văn Bình, Phó Giám đốc Bệnh viện K, ung thư gan là bệnh ung thư nguy hiểm, tỷ lệ ca mắc và tử vong đứng hàng đầu. Thống kê của GLOBOCAN cho thấy năm 2020, Việt Nam có thêm 26.418 người mắc ung thư gan và 25.272 người tử vong vì ung thư gan. Ung thư gan là bệnh có tỷ lệ mắc mới và tử vong cao nhất trong các bệnh ung thư thường gặp.
Yếu tố gây ung thư gan:
Thứ nhất, ung thư gan liên quan chặt chẽ tới viêm gan virus B và C. Tại nước ta, tỷ lệ người dân nhiễm viêm gan virus cao, ước tính khoảng chục triệu người.
Thứ hai, do lối sống của người dân như thói quen ăn uống không khoa học, tiêu thụ nhiều thực phẩm có chứa nấm mốc, thực phẩm nướng, lên men. Bên cạnh đó, tình trạng tăng cân, gan nhiễm mỡ cũng là khiến nguy cơ xơ gan, ung thư gan tăng lên.
Biểu hiện ung thư gan:
Ở giai đoạn sớm, bệnh thường không biểu hiện rất khó phát hiện, người bệnh có các biểu hiện chán ăn, đau, nặng tức vùng hạ sườn phải, trướng bụng, vàng da, củng mạc mắt.
Ở giai đoạn muộn, khi khối u đã lớn các triệu chứng trên rõ ràng hơn, hoặc xuất hiện thêm các biến chứng của bệnh với biểu hiện như sụt cân không rõ nguyên nhân, buồn nôn, nôn, mệt mỏi, chán ăn… có cảm giác ngứa, trướng bụng, đau, nặng tức vùng hạ sườn phải, vàng da.
Bác sĩ Bình cho biết tỷ lệ bệnh nhân được chỉ định phẫu thuật còn thấp, bệnh nhân đến viện khi đã ở giai đoạn muộn khiến việc can thiệp điều trị bị hạn chế.
Thực tế, phẫu thuật ung thư là kỹ thuật rất khó, phức tạp để giúp triệt căn khối u nhưng vẫn bảo tồn gan lành, đảm bảo chức năng gan. Do đó, việc đưa robot vào phẫu thuật nội soi đã giúp bác sĩ phẫu tích tỉ mỉ, cầm máu và kiểm soát diện cắt an toàn.
Để phòng bệnh, bác sĩ Bình khuyến cáo người dân cần duy trì chế độ ăn uống lành mạnh, tiêm vắc xin phòng viêm gan. Hằng năm, người dân nên làm xét nghiệm đánh giá chức năng gan giúp sàng lọc và phát hiện sớm bệnh.
Theo Phương Thúy (VietNamNet)