Một số loại cây kiểng thông dụng được trưng bày ngày Tết có nguy cơ cao đối với sức khoẻ của trẻ em.
BS chuyên khoa 2 Huỳnh Tấn Vũ, Bệnh viện Đại học Y dược TP HCM (cơ sở 3) cho biết không có đặc điểm chung về hình dạng, màu sắc, mùi hoặc hương vị mà phân biệt một cây có độc hay không độc. Tuy nhiên, có một số quy luật chung như cây có vị đắng, nặng mùi (thơm đậm hoặc rất hôi), nhựa trắng như sữa hoặc hạt màu đỏ có thể độc.
Để tránh ngộ độc, chúng ta cần phải học cách nhận biết và tránh thực vật có độc để có thể dạy cho con em chúng ta tránh những loài thực vật đó.
Theo bác sĩ Vũ, nếu trong gia đình có trẻ nhỏ tránh trồng các loại cây sau:
Xương rồng và các loại cây có gai. Vì có khả năng làm trẻ chảy máu, trầy xước khi tiếp xúc với da, đặc biệt nguy hiểm với mắt. Nên trồng các loài cây mọng nước thuộc họ xương rồng nhưng không có gai. Ngoài ra, một số loài xương rồng có nhựa cũng gây dị ứng nặng cho da và mắt.
Ớt (đặc biệt các giống “hot”). Hiện nay, có nhiều giống ớt được trồng trong chậu cảnh để trưng bày. Đặc biệt là loại ớt có màu đỏ, trái nhỏ rất hấp dẫn đối với trẻ em. Mặc dù ăn chúng không có khả năng gây tử vong nhưng ớt nóng có thể khiến trẻ rất khó chịu, gây bỏng rát nếu tiếp xúc ngoài da, gây cay nóng nếu nuốt phải.
Hoa loa kèn (Angels trumpet – Brugmansia). Chất độc chiết xuất từ lá và hoa loa kèn có thể được sử dụng giống như một chất gây ảo giác hiệu quả trong y tế nhưng khi dùng quá liều sẽ dẫn đến tử vong. Thành phần gây tác động bao gồm atropine, hyoscyamine và scopolamine gây nên triệu chứng mê sảng, điên loạn.
Cây vạn tuế (Cycas revoluta Thunb) thuộc họ thiên tuế Cycadaceae. Ở Việt Nam, loại cây này thường được rất nhiều cơ quan, trường học, gia đình lựa chọn trồng làm cảnh. Tuy nhiên, nếu tiếp xúc gần hoặc dùng tay vặt lá, hạt, vỏ vạn tuế, người tiếp xúc có thể bị ngộ độc.
Các hợp chất alkaloids trong thân cây có thể gây ung thư, ngay cả trong hạt vạn tuế cũng có chất cycasin độc tính khá cao. Các nhà khoa học khuyên không nên tiếp xúc thường xuyên hoặc đặt cây vạn tuế trong phòng kín bởi nó có thể gây bệnh, ngộ độc thậm chí gây tử vong cho người.
Cây trúc đào, tên khoa học là Nerium oleander. Toàn thân trúc đào đều có chất cực độc Oleandrin, Neriin. Người ta có thể bị ngộ độc do chạm vào cây hoặc nuốt phải. Nhẹ thì gây buồn nôn, ói mửa, tiêu chảy, rối loạn nhịp tim, nặng thì có thể mất kiểm soát cơ thể, hôn mê. Nếu không xử lý kịp thời sẽ dẫn đến tử vong.
Cây trạng nguyên nếu ăn phải sẽ gây rối loạn tiêu hóa do viêm nhẹ dạ dày và ruột
Hoa rum, lá và củ chứa chất độc đường ruột Calcium oxalate. Khi ăn phải loại thực vật này có thể bị ói mửa, bỏng rát bề mặt niêm mạc.
Hoa thủy tiên, tên khoa học là Narcissus spp. Trong củ của cây có chất Alkaloids gây chóng mặt, buồn nôn, tiêu chảy, run rẩy toàn thân, hôn mê, có thể dẫn đến tử vong khi ăn phải.
Bác sĩ Vũ nhấn mạnh rất nhiều các loài thực vật đều độc hoặc có khả năng gây ra phản ứng dị ứng cao. Một số có thể gây tổn thương bởi gai nhọn. Dù mức độ gây hại của các loại thực vật rất ít, không nhiều như mối nguy hiểm đối với trẻ em đến từ hóa chất, hồ bơi, các tai nạn khi vui chơi ngoài trời. …, tuy nhiên vẫn nên thận trọng.
Các loại triệu chứng và mức độ nghiêm trọng của các loài thực vật khi tiếp xúc sẽ khác nhau tùy theo các loại cây, lượng nuốt phải và trọng lượng của đứa trẻ. Những vấn đề thường gặp nhất là đau nhức xung quanh miệng và dị ứng da.
Các biện pháp cần thực hiện ngay sau khi nghi ngờ trẻ tiếp xúc với bất kì tác nhân có độc nào, bao gồm:
-Đối với da – nhẹ nhàng rửa sạch da bằng dưới vòi nước chảy (lượng nước chảy phải nhiều).
-Đối với tiếp xúc tại mắt – nhỏ mắt bằng nước cất hoặc nước muối sinh lý trong 20 phút (nên nhỏ nhiều cho nước chảy vào để rửa sạch mắt)
-Đối với trẻ nuốt tác nhân gây độc – loại bỏ bất kỳ phần nào của cây còn lại trong miệng và rửa miệng cho trẻ. Cho trẻ nôn bằng cách kích thích cổ họng.
Gọi điện thoại cho cơ sở y tế để được hướng dẫn sơ cứu.Nếu các triệu chứng khá nặng (co giật, khó thở, bất tỉnh, tím tái…) cần phải đi đến bệnh viện ngay lập tức, nhớ mang theo một mảnh của cây (mẫu vật gây độc)
Theo Hải Yến (Nld.com.vn)