Chỉ vì nhầm lẫn khi lắp đặt, nhiều gia đình đã phải sử dụng nước không đạt chuẩn suốt nhiều năm.
Ngày nay, uống nước gì và uống nước có an toàn hay không đã trở thành vấn đề ngày càng được nhiều người quan tâm. Sự xuất hiện của máy lọc nước đã giúp nâng cao chất lượng nước sử dụng trong sinh hoạt. Ở nhiều gia đình, hầu như ai cũng trang bị một chiếc máy lọc. Với các nơi công cộng như bệnh viện, trường học, công sở, nhà hàng… thì đây là một thiết bị điện không thể thiếu.
Sử dụng máy lọc nước đã lâu, nhưng không phải gia đình nào cũng biết cách kiểm tra thiết bị mình đang sử dụng. Mới đây, một nhân viên kỹ thuật đã đăng tải video nói về việc lắp đặt nhầm lẫn. Sự nhầm lẫn này có thể ảnh hưởng đến sức khỏe của người tiêu dùng.
Trong video, anh lấy dẫn chứng từ một chiếc máy lọc nước bị lắp sai. Cụ thể, vỏ màng lọc RO của máy lọc nước có một đường nước vào và hai đường nước ra. Trong đó, đường ống ở rìa sẽ gắn với đường ống flow 300, đây chính là nước thải. Đường nước ở giữa sẽ gắn với van một chiều, thường được đánh dấu bằng màu xanh hoặc màu hồng để dẫn nước tinh khiết. Tuy nhiên, một số người không biết sẽ lắp nhầm, từ đó dẫn đến việc lấy nước thải ra để sử dụng.
Người này cho biết thêm, trong quá trình làm nghề, anh đã gặp nhiều gia đình sử dụng nước thải, đến khi thợ lắp vào kiểm tra mới hay biết.
Ngoài việc kiểm tra lắp vòi nước đã đúng hay chưa, bạn cũng cần lưu ý những điểm sau để sử dụng máy lọc nước an toàn.
1. Khảo sát vị trí lắp đặt
Việc lựa chọn vị trí lắp đặt máy lọc nước RO rất quan trọng, vị trí này cần thông thoáng để tránh ẩm ướt và mốc, đồng thời cần thuận lợi cho việc sử dụng hàng ngày cũng như bảo dưỡng, sửa chữa sau này. Nếu lắp đặt ở vị trí khó tiếp cận như dưới gầm chậu rửa, cần đảm bảo vệ sinh sạch sẽ, thường xuyên lau chùi để tránh côn trùng và mốc.
2. Kiểm tra sản phẩm trước khi lắp đặt
Trước hết cần kiểm tra xem thân máy có bị móp méo, biến dạng hay va đập không. Kiểm tra đầy đủ phụ kiện đi kèm như sách hướng dẫn, phiếu bảo hành và lắp đặt theo đúng chỉ dẫn. Cần chú ý kiểm tra các cút ốc và vị trí kết nối, đảm bảo chúng đã được siết chặt và không có nguy cơ rò rỉ nước.
3. Kiểm tra áp lực nguồn nước
Áp lực nước đầu vào phải phù hợp với yêu cầu của máy. Đối với nguồn nước áp lực yếu, có thể cần đấu thêm van để cấp điện cho máy hoạt động. Còn với nguồn áp lực nước cao, cần chú ý siết chặt các kết nối để đảm bảo không có sự cố rò rỉ.
Theo Thùy Anh (Nguoiduatin.vn)