Các yếu tố tác động tới nồng độ cồn sau khi uống rượu bia

Cùng uống một lượng rượu như nhau nhưng nồng độ cồn trong máu của mỗi người có thể khác biệt.

Ý nghĩa của nồng độ cồn

Ngay cả một lượng rất nhỏ rượu cũng có thể ảnh hưởng đến sự tập trung, khả năng phán đoán và hiệu suất làm việc của bạn. Bạn có thể cảm thấy mình ổn, nhưng phản xạ sẽ chậm hơn bình thường và khả năng tập trung giảm sút.

Điều này gây khó khăn cho việc thực hiện các hoạt động đòi hỏi kỹ năng, sự tập trung hoặc sự an toàn của người khác. Đó là khi bạn lái xe, chơi thể thao, sử dụng máy móc phức tạp. 

Nồng độ cồn trong máu có thể đo bằng máy đo nồng độ cồn trong hơi thở hoặc phân tích mẫu máu, nước bọt, nước tiểu.

Các yếu tố tác động tới nồng độ cồn sau khi uống rượu bia
Có nhiều yếu tố khác nhau ảnh hưởng tới nồng độ cồn trong máu mỗi người. Ảnh minh họa: Shutterstock

Các yếu tố ảnh hưởng tới nồng độ cồn

Cơ thể thường mất ít nhất 1 giờ để tiêu hóa 1 đơn vị cồn. Theo hướng dẫn của Bộ Y tế, một đơn vị cồn tương đương với: 3/4 chai hoặc 3/4 lon bia 330ml (5%); một cốc bia hơi 330ml (4%); một ly rượu vang 100 ml (13,5%); một ly nhỏ/cốc nhỏ rượu mạnh 40ml (30%).

Tuy nhiên, hai người có thể uống cùng một lượng rượu bia nhưng lại có nồng độ cồn trong máu khác nhau. Theo Hiệp hội về Rượu và Ma túy Australia, có nhiều yếu tố riêng lẻ ảnh hưởng đến cách phân hủy và hấp thụ rượu của cơ thể: 

Kích cỡ cơ thể

Thông thường, nồng độ cồn ở những người nhỏ con sẽ cao hơn khi uống cùng lượng rượu. 

Bụng đói

Bạn uống rượu khi bụng trống rỗng sẽ làm cồn thẩm thấu vào máu nhanh chóng, khiến bạn say sớm hơn. Tuy nhiên, dùng bữa trước khi uống cũng không đồng nghĩa bạn sẽ không say và có thể lái xe an toàn.

Mỡ cơ thể

Các tế bào mỡ của chúng ta giữ ít nước hơn nhiều so với cơ bắp. Điều này có nghĩa rượu không được hấp thụ và tồn tại trong máu của bạn cho đến khi gan phân hủy. Những người có lượng mỡ trong cơ thể cao hơn sẽ có nồng độ cồn cao hơn. 

Sức khỏe gan

Gan thực hiện hầu hết quá trình phân hủy rượu. Người bị bệnh gan hoặc tổn thương gan sẽ không thể xử lý rượu nhanh như những người có gan khỏe mạnh hơn. 

Tuổi tác

Khi bạn già đi, tốc độ xử lý rượu của cơ thể sẽ giảm đi vì gan có thể nhỏ hơn. Điều này đồng nghĩa rượu có thể lưu lại trong máu lâu hơn và làm tăng nồng độ cồn. 

Giới tính

Nữ giới thường có tỷ lệ mỡ trong cơ thể cao hơn, lượng nước trong cơ thể thấp hơn và ít enzyme phân hủy rượu hơn so với nam giới. Do đó, ở phụ nữ, rượu bị xử lý chậm hơn và sẽ tồn tại trong máu lâu hơn.

Khả năng dung nạp rượu

Nếu bạn chưa uống rượu nhiều thì khả năng chịu đựng của bạn sẽ thấp hơn. Cơ thể bạn chưa quen với điều đó và kết quả là nồng độ cồn trong máu cao hơn. 

Thuốc

Nhiều loại thuốc cần được gan phân hủy, giống như rượu. Nếu bạn uống rượu trong khi dùng các loại thuốc này (ví dụ thuốc tránh thai), gan của bạn sẽ xử lý rượu chậm hơn, dẫn đến nồng độ cồn trong máu cao hơn. Nếu bạn đang dùng bất kỳ loại thuốc nào, hãy trao đổi với bác sĩ hoặc dược sĩ về việc bạn có thể uống rượu hay không.

Nồng độ cồn của rượu

Không phải tất cả đồ uống đều có cùng lượng cồn. Lượng cồn trong rượu càng cao thì nồng độ cồn trong máu của bạn càng cao. 

Theo An Yên (VietNamNet)

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *