Kỳ nghỉ hè, ngày Quốc khánh, nghỉ Tết thường trôi qua trong chớp mắt. Điều này khiến nhiều người cảm thấy tiếc nuối, mệt mỏi hơn khi phải trở lại đi học, đi làm.
Theo các chuyên gia, nhận thức của con người về thời gian khiến các kỳ nghỉ lễ có vẻ ngắn ngủi hơn so với những ngày đi làm. Thiên tài Albert Einstein từng nói, thời gian là tương đối, không phải thời gian lúc nào cũng trôi qua với tốc độ như nhau. Một giờ đúng bằng 60 phút, nhưng nhận thức về nó có thể có sự khác biệt.
Thời gian trôi nhanh khi con người vui
Năm 2021, các nhà nghiên cứu của Đại học Ohio (Mỹ) đã thực hiện một thí nghiệm để chứng minh câu thành ngữ “time flies when you’re having fun” (tạm dịch: “Thời gian trôi qua nhanh khi bạn vui vẻ”).
Theo đó, các nhà nghiên cứu đã đánh giá cách con người cảm nhận thời gian khi họ dự đoán một sự kiện tích cực hoặc tiêu cực sẽ đến. Đối với những sự kiện tích cực như nghỉ hè, nghỉ lễ Tết, con người thường có cảm giác háo hức. Điều này làm nảy sinh cảm giác chờ đợi, mong ngóng trước sự kiện khiến thời gian trở nên lâu hơn.
Trong khi đó, khi kỳ nghỉ diễn ra, con người thường hứng thú với các hoạt động nghỉ ngơi hay vui chơi, đầu óc tập trung hoàn toàn vào niềm vui đó. Con người sẽ sao nhãng không bận tâm đến thời gian trôi qua vì đang tận hưởng khoảng thời gian nghỉ Tết vui vẻ này.
Do cảm nhận bản năng nên tất cả chúng ta trong những ngày đầu năm đều thấy thời gian nghỉ Tết ngắn ngủi, trong khi phải đợi xấp xỉ 360 ngày mới tới kỳ nghỉ Tết tiếp theo.
“Sự chờ đợi dường như vô tận cho đến khi kỳ nghỉ bắt đầu kết hợp với cảm giác rằng kỳ nghỉ sẽ trôi qua khiến mọi người cảm thấy thời điểm bắt đầu và kết thúc kỳ nghỉ của họ cũng xa như hiện tại. Nói cách khác, trong suy nghĩ của họ, kỳ nghỉ sẽ kết thúc ngay khi nó vừa bắt đầu”, nhà nghiên cứu Selin Malkoc nói.
Thời gian trôi nhanh do áp lực tâm lý
Theo Joshua Klapow, phó giáo sư phụ trách Y tế Công cộng tại Đại học Alabama ở Birmingham, nhiều tháng trước đợt lễ Tết, các nhà bán lẻ cố ý quảng bá, truyền thông về chủ đề này, xây dựng sự mong đợi cho khách hàng để kích cầu. Tại Mỹ, điều này đặc biệt phổ biến trước dịp Giáng sinh. Nhiều nhãn hàng đếm ngược vài tháng, tạo áp lực khiến mọi người cảm thấy kỳ nghỉ lễ trôi qua nhanh chóng.
Các kỳ vọng xung quanh kỳ nghỉ cũng khiến mọi người cảm thấy thời gian nghỉ Tết trôi qua quá nhanh. “Chúng ta thường mong đợi quá nhiều. Chúng ta muốn vui vẻ, muốn mọi thứ xảy ra thuận lợi, khác biệt với cuộc sống thường nhật. Khi đặt kỳ vọng như vậy vào một vài ngày cụ thể, chúng sẽ trôi qua rất nhanh”, phó giáo sư Klapow nói, thêm rằng nếu bạn gấp rút để được trải nghiệm một kỳ nghỉ tuyệt vời, mọi thứ sẽ diễn ra với tốc độ chóng mặt.
Thời gian trôi nhanh tùy thuộc vào tính cách mỗi người
Trong một nghiên cứu khác của nhà tâm lý học người Đức Marc Wittmann, những người bị buộc phải ngồi trong phòng mà không được làm gì trong 7,5 phút có cảm nhận về tốc độ thời gian khác nhau, tùy thuộc vào việc họ là người thế nào. Một số người cho rằng họ chỉ mới trải qua 2,5 phút, trong khi những người bốc đồng thì có cảm giác như 20 phút đã trôi qua.
Thời gian trôi nhanh khi chúng ta già đi
Những năm 1800, triết gia người Pháp Paul Janet lập luận rằng khả năng nhận thức thời gian tỉ lệ thuận với khoảng thời gian chúng ta còn sống. Vì vậy, một năm trong cuộc đời của một đứa trẻ 5 tuổi dường như dài hơn một năm trong cuộc đời của một người 80 tuổi.
Theo giải thích của nhà thần kinh học David Eagleman, trí nhớ đóng vai trò quan trọng trong cách chúng ta cảm nhận thời gian. Ký ức được tạo ra khi chúng ta có những trải nghiệm mới và cảm xúc liên quan đến trải nghiệm đó càng mạnh mẽ thì ký ức càng lâu dài.
Khi còn trẻ, chúng ta có nhiều trải nghiệm rõ ràng hơn như buổi hẹn hò đầu tiên, kết hôn, đứa con đầu lòng,… càng có nhiều ký ức, chúng ta sẽ càng cảm thấy thời gian được kéo dài. Tuy nhiên, khi già đi, chúng ta thường rơi vào thói quen và có ít trải nghiệm mới hơn khiến thời gian dường như càng trôi qua nhanh chóng khi chúng ta già đi.
Theo Phương Anh (Gia Đình Việt Nam)