Một công ty kiến trúc Mỹ công bố thiết kế tòa nhà chọc trời mang tên Analemma được treo lơ lửng trên một tiểu hành tinh quay quanh Trái Đất.
Tòa tháp sẽ được treo dưới một tiểu hành tinh.
Ảnh: Clouds Architecture Office.
Công ty kiến trúc Clouds Architecture Office ở New York, Mỹ công bố thiết kế tháp Analemma, công trình được gọi là “tòa nhà cao nhất thế giới”. Nó sẽ được treo trên một tiểu hành tinh quay quanh Trái Đất ở độ cao 50.000 km, di chuyển theo quỹ đạo hình số 8 giữa Bắc và Nam bán cầu, theo Dezeen.
Tòa tháp này sẽ được treo vào tiểu hành tinh bằng mạng lưới cáp có sức bền cao mang tên Hệ thống Hỗ trợ Quỹ đạo đa dụng (UOSS). Nhà thiết kế cho rằng tháp này treo lơ lửng trong không trung nên có thể được xây dựng ở bất cứ đâu trên thế giới, sau đó được vận chuyển đến vị trí cuối cùng trong không gian.
Nhiều người đặt nghi vấn về khả năng tìm kiếm tiểu hành tinh cho dự án, nhưng nhà thiết kế tin rằng ý tưởng sẽ thành hiện thực trong tương lai gần nhờ khả năng “chế ngự” tiểu hành tinh của con người. NASA đang lên kế hoạch cho nhiệm vụ điều khiển quỹ đạo tiểu hành tinh vào năm 2021 nhằm chứng minh tính khả thi của việc khống chế một tiểu hành tinh di chuyển theo một quỹ đạo nhất định.
Theo các bản vẽ, Analemma sẽ là một thành phố nổi. Phần tháp lớn sẽ được chia thành nhiều phần, mỗi bộ phận đều có chức năng riêng để cư dân cảm thấy thoải mái như ở nhà. Các kiến trúc sư có kế hoạch đặt pin mặt trời ở phần trên để tạo ra năng lượng. Người dân sẽ lấy nước ngọt từ quá trình ngưng tụ mây và nước mưa.
Trong quá trình nghiên cứu điều kiện khí quyển cho dự án, nhóm kiến trúc sư phát hiện những độ cao mà con người không thể sống được do các điều kiện khắc nghiệt. Tuy nhiên, họ khẳng định sẽ có giải pháp cho vấn đề này khi thiết kế hoàn chỉnh ra đời.
Theo Vnexpress