Đường huyết tăng cao liên quan nhiều đến chế độ ăn uống: ăn quá nhiều, ít tập thể dục hoặc căng thẳng về cảm xúc… đặc biệt là sau mỗi kỳ nghỉ Tết.
Nếu trước đây nhiều người cho rằng, bệnh tiểu đường chỉ gặp ở người lớn tuổi, nhưng hiện nay độ tuổi mắc bệnh tiểu đường đang có dấu hiệu trẻ hóa.
Bệnh tiểu đường hay còn gọi là đái tháo đường là nhóm bệnh lý nội khoa rất phổ biến do rối loạn chuyển hóa Insulin trong cơ thể, dẫn đến lượng đường trong máu tăng cao.
Theo các chuyên gia y tế, một người được xem là bị tăng đường huyết khi lượng đường trong máu trên 5,6 mmol/l. Nếu chỉ số đường huyết thường xuyên trong khoảng ~ 5.6 – ~ 7 mmol /l thì được xem là bị tiền đái tháo đường, nếu vượt quá 7mmol/l và HbA1C ≥ 6,5 mmol.l thì có thể bệnh nhân đã mắc bệnh tiểu đường.
Nguyên nhân phổ biến gây tăng đường huyết là do chế độ ăn uống không lành mạnh, ăn quá nhiều, ít tập thể dục hoặc căng thẳng về cảm xúc… đặc biệt là sau mỗi kỳ nghỉ Tết, chế độ ăn uống, sinh hoạt bị đảo lộn.
Bệnh tiểu đường nếu không được phát hiện và điều trị sớm sẽ để lại nhiều hệ lụy cho sức khỏe.
3 dấu hiệu cảnh báo sớm bệnh tiểu đường
Đi tiểu nhiều
Đi tiểu nhiều hoặc lượng nước tiểu cao hơn so với bình thường là triệu chứng đầu tiên được công nhận của bệnh tiểu đường. Khi lượng đường trong máu tăng, các hợp chất được gọi là ketones có thể phát triển trong cơ thể. Để kiểm tra nồng độ ketones, có thể sử dụng que thử nước tiểu tại nhà.
Thường xuyên thấy đói và khát
Thường xuyên cảm thấy đói, khát không rõ nguyên nhân có thể là biểu hiện của tình trạng đường huyết cao. Đây là triệu chứng đầu tiên thường gặp của nhiễm toan ceton do tiểu đường. Trong trường hợp nặng, nhiễm toan ceton có thể phát triển một cách nhanh chóng. Đối với những người mắc bệnh tiểu đường mà chưa biết mình mang bệnh, các triệu chứng như đói và cảm thấy khát có thể là dấu hiệu cảnh báo nghiêm trọng, đòi hỏi có sự thăm khám kỹ càng của bác sĩ.
Mắt mờ dần và hay ngủ
Nhìn mờ có thể xảy ra như là một triệu chứng của đường trong máu cao. Người bị tiểu đường nhưng chưa được chẩn đoán, sẽ hay cảm thấy mệt mỏi. Ngoài ra nhiều trường hợp bị sụt cân không rõ nguyên nhân và buồn nôn…
6 việc nên làm để ổn định đường huyết
Theo các chuyên gia y tế, không chỉ người bệnh tiểu đường, mà kể cả người khỏe mạnh cũng cần tuân thủ nguyên tắc ăn uống để bớt tác động xấu đến sức khỏe.
Không bỏ bữa
Việc bỏ bữa, dồn bữa… có thể gây tác động xấu đến đường huyết. Vì nếu để đói quá dễ gây hạ đường huyết. Rồi sau đó, khi ăn quá no thì đường huyết lại tăng vọt. Hai trạng thái này đều gây nguy hiểm cho sức khỏe. Chính vì thế, người bệnh đái tháo đường cần duy trì lịch sinh hoạt, ăn uống như ngày thường, không bỏ bữa, dồn bữa.
Không bỏ tinh bột
Đôi khi người bệnh tiểu đường sợ tăng đường huyết mà không dám ăn cơm, bánh chưng, bỏ tinh bột hoàn toàn. Nhưng với bệnh nhân đái tháo đường, tinh bột là rất quan trọng, không được bỏ. Người bệnh vẫn phải duy trì ăn đủ lượng chất bột đường mỗi ngày để tránh hạ đường huyết.
Hạn chế món chiên xào
Các món xào, chiên, rán, nướng dùng nhiều dầu mỡ thường rất hấp dẫn và ngon miệng. Một số món xào hay sử dụng phủ tạng dễ làm lượng cholesterol máu tăng cao. Do vậy, người bệnh đái tháo đường vẫn cần duy trì số lượng và cách lựa chọn chất đạm như đã được tư vấn: cân đối giữa chất đạm nguồn gốc động vật và thực vật, ưu tiên sử dụng chất đạm theo thứ tự: thủy hải sản, gia cầm, gia súc…
Hạn chế đồ ngọt, rượu bia
Ngày Tết mọi người thường có xu hướng tiêu thụ quá nhiều đường từ mứt kẹo, nước ngọt, các loại quả sấy khô, rượu bia… Đây là một trong những nguyên nhân làm tăng đường huyết ở người bệnh đái tháo đường.
Để ổn định đường huyết, bạn nên ăn chế biến đồ ăn nhạt, luộc, ít sử dụng nước chấm, hạn chế sử dụng ít các thực phẩm dưa muối, cà muối, cũng như các thực phẩm chế biến sẵn.
Ăn nhiều chất xơ
Rau xanh, trái cây là nhóm thực phẩm cung cấp vitamin, khoáng chất và chất xơ – một nhóm chất quan trọng đối với sức khỏe. Nên ăn rau trước, vì chất xơ và nước sẽ giúp kiểm soát đường huyết tốt hơn.
Ngoài ra, cần uống đủ nước để giúp vận chuyển chất dinh dưỡng, loại bỏ chất thải và giúp chuyển hóa chất béo.
Tập thể dục
Người bệnh đái tháo đường cần duy trì thời gian để tập thể dục. Không nhất thiết phải là những bài tập phức tạp, có thể là đi bộ, đạp xe, tập yoga… khoảng 30-60 phút/ ngày, thực hiện đều đặn 5 ngày/tuần
Theo M.H (Giadinh.suckhoedoisong.vn)